Chế độ ăn bổ sung cho trẻ
Khi trẻ được 6 tháng tuổi cũng là lúc trẻ cần cung cấp thêm nhiều dưỡng chất dinh dưỡng để hỗ trợ cho sự phát triển của cơ thể. Lúc này, mẹ có thể cho bé ăn bổ sung những thực phẩm khác ngoài sữa.
Để đảm bảo cho bé được phát triển toàn diện và khỏe mạnh, mẹ cần cung cấp cho bé một khẩu phần ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng sau:
1. Nhóm cung cấp chất bột đường
Nhóm chất này được xem là nguồn cung cấp năng lượng và tham gia vào thành phần cấu tạo tế bào, bao gồm các thực phẩm chứa tinh bột, trong đó chủ yếu là gạo, ngô, khoai lang, khoai tây và các loại ngũ cốc khác. Với những bé 6 đến 9 tháng tuổi thì sữa vẫn chiếm chủ yếu, nhưng mẹ cũng có thể cho bé bổ sung một lượng nhỏ những món ăn được chế biến từ những thực phẩm này để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé.
2. Nhóm cung cấp chất đạm
Ở nhóm này được chia làm hai loại: đạm thực vật và đạm động vật. Đạm thực vật thì có chủ yếu trong các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu nành… Còn đạm động vật thì bao gồm trứng, thịt, cua, cá, tôm… Cả hai loại đạm này đều quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của bé. Nếu thiếu đạm bé sẽ chậm lớn, khi trưởng thành có tầm vóc thấp bé, hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng cũng giảm đi và khiến cho các vi khuẩn nhiễm bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể bé. Tùy theo lứa tuổi mà mẹ cần cung cấp lượng chất đạm vừa đủ cho bé, nếu nhiều quá cũng không tốt cho sức khỏe của bé. Nhìn chung thì trẻ sẽ hấp thu đạm động vật dễ hơn. Nhu cầu đạm của trẻ là từ 2-3 đạm/kg trọng lượng cơ thể/ ngày.
3. Nhóm cung cấp chất béo
Chất béo thì có chủ yếu trong bơ, dầu ăn, vừng, đậu phộng… Nó vừa cung cấp năng lượng cũng vừa là thành phần của màng tế bào và mô não. Ngoài ra, nó cũng cung cấp vitamin A, D, E, K hòa tan vào hấp thu cơ thể. Chất béo cũng có hai loại: chất béo thực vật và chất béo động vật. Nhưng nhìn chung thì các bé dễ hấp thu chất béo thực vật hơn.
4. Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng
Vitamin và khoáng chất thì có chủ yếu trong các loại rau củ , đặc biệt là các loại có màu xanh lá đậm, củ có màu vàng và đỏ như rau muống, rau ngót, rau cải, rau dền, cà chua, bí đỏ, đu đủ… Nhóm chất này ngoài việc giúp bé chống táo bón, còn giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch và béo phì. Với những thực phẩm của nhóm chất này, mẹ có thể chế biến thành các món ăn đa dạng như bột, canh, cháo, nước ép… để giúp bé thay đổi khẩu vị và không bị ngán.
Việc cho bé ăn bổ sung phù hợp và đầy đủ sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của bé ở giai đoạn tuổi hiện tại và cả khi trưởng thành. Vì vậy, mẹ cần lựa chọn thực phẩm thật kĩ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cũng như sức khỏe cho bé. Mẹ lưu ý rằng không nên cho bé ăn bổ sung quá sớm (dưới 4 tháng tuổi), vì lúc này bộ máy tiêu hóa của bé chưa được hoàn thiện, nếu mẹ cho bé ăn sớm, bé sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Ngược lại, nếu cho bé ăn quá trễ, trẻ không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển.
Mẹ có thảm khảo thêm tại đây những thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng khác phù hợp với bé để hỗ trợ bé phát triển toàn diện.