Hai hiểu nhầm về chuyện biết đi của bé
Đi là một bước phát triển vận động lớn sau khi bé học được cách ngồi và bò, đồng nghĩa với việc bé phải học cách giữ thăng bằng trong không gian, một kỹ năng khó hơn so với 2 kỹ năng trước đó.
Việc khuyến khích giúp bé từng bước làm quen với và học cách giữ thăng bằng không gian là cần thiết để giúp bé biết đi.
Khi nào bé nên được tập đi?
Theo giáo sư bác sĩ Marleigh Moscatel, Viện nhi khoa Mỹ, sự phát triển kỹ năng đi là khác nhau tùy bé, thông thường các bé có thể học đi chập chững từ 9 – 15 tháng. Tuy nhiên, việc tập đi quá sớm trước 8 tháng tuổi là điều không khuyến khích, từ 8 tháng tuổi có thể giúp bé tập đứng vịn và các bài tập hỗ trợ giúp bé làm quen với thăng bằng trong không gian.
Điều gì làm bé chậm biết đi?
Bé biết đi sớm hay muộn tùy thuộc nhiều yếu tố, giống như việc mọc răng, thường là sự phát triển tự nhiên. Ngoài các yếu tố bệnh lý do chậm phát triển vận động (nên được tư vấn đánh giá và tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi), các bé ít được khuyến khích làm quen với việc giữ thăng bằng sẽ chậm biết đi hơn. Ví dụ cha mẹ thường hay bồng bế bé, bé ít có cơ hội di chuyển và học cách giữ thăng bằng, nên chậm biết đi.
Hai hiểu nhầm về biết đi của bé
Điều 1: Bé nào biết đi càng sớm, bé đó thông minh
Điều này là không đúng. Chưa có kết luận nào liên quan giữa phát triển trí thông minh và biết đi của bé. Trí thông minh và sự biết đi phát triển khác nhau, hoàn toàn độc lập và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Với kiến thức y học hiện nay, điều chúng ta biết được về kết nối giữa thần kinh vận động đi lại của bé đó là: Những trải nghiệm mới từ việc học cách đi lại và từ việc cùng mẹ vui chơi là cách giúp các tế bào thần kinh hình thành. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bé biết đi sớm là thông minh hơn các bé khác.
Điều 2: Bé được tập đi bằng xe tròn hay đồ chơi tập đi sẽ giúp bé biết đi sớm hơn
Điều này là không khuyến khích vì không cần thiết. Tại Canada, việc sử dụng xe tròn hay đồ chơi tập đi không nằm trong danh mục hướng dẫn thực hành của các chuyên gia sức khỏe. Các chuyên gia ở Anh cũng không khuyến khích điều này. Dưới đây là một vài lý do cho việc không khuyến khích sử dụng xe tròn tập đi trong hướng dẫn thực hành cho mẹ.
. Xe tròn tập đi không hỗ trợ bé giữ thăng bằng.
. Xe tròn tập đi không hỗ trợ cơ lưng.
. Xe tròn tập đi làm bé không nhìn được bàn chân khi bé đi. Các nghiên cứ trên yếu tố tâm lý cho thấy việc đi của bé cần có sự phối hợp giữa cảm nhận của bàn chân và mắt.
. Bé thường đứng trên ngón chân khi di chuyển, điều này có thể gây ra các vấn đề về bệnh lý vận động bàn chân. Đặc biệt các bé sinh non là không được sử dụng xe tròn tập đi.
Các chuyen gia sức khỏe chỉ khuyến khích nên tập cho bé phát triển các cơ thông qua các vận động hoặc vui chơi một cách tự nhiên. Điều này sẽ giúp hệ cơ và quá trình tự điều chỉnh cân bằng ở bé được tốt hơn.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cho bé cũng vô cùng quan trọng. Đặc biệt hơn là nguồn dinh dưỡng đến từ sữa. Chúc các mẹ và bé luôn khỏe mạnh.