Nhu cầu dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
Nhu cầu dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết để thai nhi có thể phát triển khoẻ mạnh suốt thai kì. Vậy dinh dưỡng cho mẹ bầu sẽ cần những dưỡng chất nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Năng lượng
Với người mẹ mang thai, đặc biệt trong ba tháng cuối, cần bảo đảm mức dinh dưỡng nhiều hơn trước để tăng nhiệt lượng khoảng 350kcal/ngày, có nghĩa là nhu cầu năng lượng cần cung cấp tối thiểu phải đạt được từ 2400 – 2500kcal/ngày.
Muốn vậy, trước hết trong mỗi bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Nguồn năng lượng trong bữa ăn chủ yếu từ lương thực như gạo, ngô, mì… Các loại củ cũng là nguồn năng lượng nhưng lại có ít protein, nên mẹ chỉ nên cho bé ăn khi quá thiếu gạo, mì.
Protein
Khi mang thai, nhu cầu protein ở người mẹ tăng lên cùng với sự phát triển của thai nhi nhằm để tăng lượng máu cho tử cung, đồng thời còn phải cung cấp protein cho thai nhi cùng nhau thai hình thành và phát triển. Lượng protein cần thiết trong khẩu phần mỗi ngày của người mẹ mang thai là khoảng 70g – 90g.
Lipit
Lipit (hay còn gọi là chất béo) cung cấp năng lượng rất lớn, lipit có nhiều trong dầu, mỡ, 20g dầu mỡ có thể cung cấp được gần 200kcal năng lượng. Với người mẹ mang thai, dầu mỡ không chỉ có tác dụng giúp cho việc hấp thụ các vitamin A, D, E được hiệu quả mà còn có tác dụng bảo vệ thai, giúp cho thai chóng lớn, đảm bảo sức khoẻ cho người mẹ.
Vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ các loại vitamin cần thiết giúp cho sự cân bằng của cơ thể và thai nhi phát triển tốt. Vitamin C giúp người mẹ có được sức đề kháng của cơ thể và hấp thụ tốt chất sắt. Vitamin C mất nhiều nếu tồn trữ thức ăn lâu dài và nấu nướng không đúng kỹ thuật, vì thế bạn nên dùng rau tươi non và quả tươi, chín có nhiều vitamin C. Vitamin C trong quả tươi là nguồn vitamin tốt nhất.
Vitamin B2 và beta caroten
Các loại rau có màu xanh đậm chứa nhiều vitamin B2 và beta caroten. Nếu ăn ít rau thì cần ăn thêm quả chín: đu đủ, ổi, xoài, chuối, na… vì rau quả không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng, các vitamin mà còn có tác dụng giúp cho sự tiêu hoá. Bởi khi mang thai, người mẹ rất dễ bị táo bón, vì vậy trong bữa ăn hàng ngày, cần một lượng chất xơ đáng kể để phòng chống tình trạng này.
Canxi
Khi mang thai, cơ thể người mẹ cần một lượng canxi gấp đôi lúc bình thường (giúp cho việc tạo xương thai). Thai càng lớn càng đòi hỏi phải cung cấp nhiều canxi. Nếu cơ thể người mẹ không đáp ứng được sẽ roi vào tình trạng thiếu hụt canxi. Vì thế trong ăn uống, bạn nên chú ý tới các loại thức ăn có nhiều canxi, phốt pho như pho mát, sữa, cá, cua… các loại hạt thuộc họ đậu, trứng…
Axit folic
Axit folic cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi, đặc biệt là trong những tuần lễ đầu tiên. Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần axit folic gấp nhiều lần so với lúc bình thường, trong khi đó với dưỡng chất này cơ thể lại không tích trữ được vì vậy cần phải cung cấp đều đặn.
Chất sắt
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt cần nhiều hơn để cơ thể người mẹ có đủ sức thoả mãn sự phát triển nhanh chóng của tiến trình thai nghén, và tránh mọi nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Hơn nữa, thai rất cần sắt để phát triển và để tạo vốn dự trữ dành cho sau khi ra đời (6 tháng đầu tiên).
Ở phụ nữ mang thai, tổng lượng sắt cần cho thai nghén là 500 – 600mg, từ quý thứ III (ba tháng cuối) của thai kỳ là 3mg/ngày.
Để trẻ được sinh ra thật khoẻ mạnh, các mẹ hãy chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng này với chế độ ăn thật đầy đủ và khoa học nhé. Các mẹ có thể tham khảo thêm bài viết tại đây để chuẩn bị đầy đủ hơn cho hành trang làm mẹ của mình.