Tìm hiểu vè bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi trẻ vừa ăn bột hay vừa bú xong đã có biểu hiện nôn trớ và ọc ra hết những gì vừa được nạp vào cơ thể. Bệnh không chỉ có ở trẻ nhỏ mà còn phổ biến hầu hết mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, chỉ khi nào con nôn trớ nhiều lần kèm những biểu hiện bất thường mới được coi là bị trào ngược dạ dày thực quản, còn không thì chỉ là do nôn trớ sinh lý và trẻ sẽ khỏi khi dần lớn lên.
Để phân biệt được 2 triệu chứng này, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Thế nào là trào ngược sinh lý
Thông thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào dạ dày, sữa được hấp thu một phần, sau đó di chuyển xuống ruột. Chỗ nối thực quản vào dạ dày gọi là tâm vị, tại đây có cơ vòng thực quản dưới, tạo nên một vùng có áp lực cao, ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản, vòng cơ này vẫn còn tiếp tục thay đổi vài tháng đầu sau sinh.
Một yếu tố khác cũng gây trào ngược dạ dày là do thực quản đoạn dưới và dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù, khi trẻ biết đi dạ dày từ từ chuyển sang vị thế dọc, tâm vị phát triển, góc này trở thành góc nhọn, đóng vai trò ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to.
Giữa dạ dày và ruột cũng có một van có chức năng giống như tâm vị, gọi là môn vị. Trong khi cơ tâm vị ở trẻ rất yếu thì cơ môn vị lại rất phát triển, do đó ở trẻ nhỏ thức ăn rất dễ ứ đọng lâu trong dạ dày. Thức ăn cho trẻ nhỏ chủ yếu là sữa, trẻ lại hay nằm nhiều nên dạ dày trẻ lúc này như một cốc sữa nằm ngang rất dễ trào ra bất cứ lúc nào.
2. Trào ngược dạ dày do bệnh lý
Bình thường, khi trẻ hơn 18 tháng tuổi, hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý không còn nữa. Nếu ở độ tuổi này, bé vẫn còn trào ngược không có lý do rõ rệt thì phải nghĩ đến trào ngược dạ dày thực quản do bệnh lý ngoại khoa gây nôn ói kéo dài như: hẹp phì đại cơ môn vị, thoát vị khe, thực quản to, thực quản đôi, ruột xoay bất toàn, khối u gây chèn… Cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, tại đây trẻ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.
3. Cách phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
– Không ép trẻ bú quá no, tốt nhất là chia nhỏ các lần bú nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng sữa cho con. Thời gian bú cách nhau 2 tiếng, mỗi lần bú khoảng 30 phút. Giữ bình sữa hơi nghiêng dể đầu núm vú luôn đầy sữa, tráng để bình sữa nằm ngang sẽ làm trữ không khí trong bình và khi bé bú lượng khí này vào dạ dày rất dễ bị đầy hơi, trào ngược.
– Tránh để bé khóc khi bú vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
– Không để trẻ nằm bú vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, rung lắc bé.
– Ngoài ra, thời gian thức ăn ở trong dạ dày sẽ ngắn lại nếu thức ăn ở nhiệt độ cơ thể, thời gian thức ăn ở dạ dày sẽ kéo dài ra khi thức ăn nóng quá hoặc lạnh quá, thức ăn không ngon, không đồng nhất, không được nghiền kỹ.
Mong rằng với những chia sẻ hữu ích này sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức về bệnh trào ngược và trở thành cẩm nang giúp chắc sóc con trong giai đoạn sơ sinh được tốt hơn.