7 điều lưu ý cần nhớ khi cho con uống sữa công thức
Hầu hết mọi người đều biết rằng “Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân nào đó mẹ không đủ sữa hoặc không có sữa cho con hoặc sữa mẹ không thể cho con bú do mẹ dùng một số loại thuốc chữa bệnh. Do đó, mẹ phải bổ sung các chất dinh dưỡng cho con từ sữa công thức.
Khi cho con uống sữa công thức thì các mẹ cần lưu ý 7 điều sau đây:
1. Lượng sữa công thức thích hợp
Lượng sữa công thức dành cho bé dưới 1 tuổi sẽ được tính bằng công thức: Lượng sữa tiêu chuẩn nhân cho số kg trọng lượng cơ thể của trẻ.
Từ 5 ngày – 3 tháng tuổi, mỗi ngày một em bé sinh đủ tháng thì lượng sữa tiêu chuẩn sẽ là 150ml. Do đó, bé nặng 3kg sẽ cần 450ml sữa công thức mỗi ngày.
Trẻ từ 3-6 tháng tuổi, lượng sữa tiêu chuẩn sẽ là 120ml.
Trẻ từ 6-12 tháng tuổi, lượng sữa tiêu chuẩn sẽ là 90-120ml.
Trẻ sinh non, thiếu tháng cần được uống nhiều sữa hơn để có thể bắt kịp đà tăng trưởng. Có thể lượng sữa tiêu chuẩn của bé sẽ cao hơn trẻ sinh đủ tháng, nhưng để biết rõ trẻ cần uống bao nhiêu sữa và bổ sung dưỡng chất như thế nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
2. Nguyên tắc vệ sinh
Giữ vệ sinh là nguyên tắc đầu tiên khi cho chăm sóc trẻ, việc cho trẻ ăn cũng không ngoại lệ.
- Trước hết, mẹ phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng rửa tay chuyên dụng, tiêu diệt vi khuẩn và khu vực pha sữa phải đảm bảo sạch sẽ.
- Kiểm tra hạn sử dụng của sữa công thức. Chỉ nên sử dụng sữa trong vòng một tháng sau khi mở hộp. Tips: dùng bút lông vĩnh viễn ghi lại ngày mở hộp trên nắp hộp sữa.
- Pha theo đúng tỷ lệ của nhà sản xuất, không quá lỏng hoặc quá đặc đều không tốt cho bé.
- Dùng nước lọc (không sử dụng nước máy) đun sôi để nguội để pha sữa
- Kích thước thìa của từng hãng sữa có thể khác nhau nhưng mẹ vẫn nên pha theo đúng với tỷ lệ được in trên vỏ hộp, một thìa sữa công thức đúng là một thìa đầy, gạt ngang, không nên để vun, hay một thìa nén chặt sữa.
- Pha sữa trong bình, đổ nước nóng và trước rồi mới cho sữa vào.
Bé ăn sữa tới đâu pha tới đó, không nên pha sữa dự trữ. Sữa đã pha sẽ dùng tốt trong vòng 1 giờ đồng hồ, nếu sau 1 giờ đồng hồ bé không chịu bú hoặc bú thừa, mẹ không nên tiết kiệm mà phải đổ đi và pha lại bình sữa khác để đảm bảo an toàn cho con.
3. Làm ấm sữa cho bé
Mẹ có thể làm ấm sữa cho bé bằng 2 cách: Bỏ bình sữa trong chậu nước nóng hoặc dùng máy làm ấm sữa. Không nên sử dụng lò vi sóng để làm nóng vì nhiệt độ trong lò vi sóng rất lớn, vừa có thể gây phỏng miệng bé vừa làm mất một số chất dinh dưỡng có trong sữa.
Trước khi cho con uống, bạn nên kiểm tra lại nhiệt độ bình sữa bằng cách lật ngửa tay ra và nhỏ một ít sữa vào da cổ tay, cảm giác âm ấm, không nóng là được. Tuyệt đối không nên mút thử vì vi khuẩn trong nước bọt của bạn có thể gây nguy hiểm cho bé.
4. Thay đổi loại sữa
Bất kể là loại sữa gì, mỗi khi chuyển sang dùng một loại sữa mới, mẹ cần đọc lại cẩn thận cách hướng dẫn nếu bạn thay đổi loại sữa công thức đang dùng, để đảm bảo bạn đong đúng lượng nước và bột định lượng riêng của loại sữa đó.
5. Không bao giờ dùng lại sữa thừa
Như đã nói ở điều lưu ý số 2, khi trẻ đói bạn hãy bắt đầu pha sữa. Bạn có thể đong sẵn lượng sữa để thao tác có thể rút gọn thời gian hơn nhưng không được pha sẵn sữa. Không nên cho trẻ bú lại sữa thừa sau 1 tiếng. Càng không nên tích trữ lại nhiều lần sữa thừa và làm ấm cho trẻ bú lại lần sau. Sau 1 tiếng, sữa trong bình có thể đã bị nhiễm khuẩn, không an toàn cho con.
6. Không pha trộn thêm thức ăn khác
Bác sĩ khuyến cáo không nên cho thêm thực phẩm khác vào trong bình sữa như ngũ cốc, dùng nước trái cây để pha sữa… Với bất kỳ thay đổi nào trong sữa, bạn nên tìm gặp người có chuyên môn để được tư vấn kĩ hơn.
7. Thưởng thức cùng con
Bữa ăn là thời gian mọi người quây quần bên nhau, trò chuyện với nhau. Hơn cả người lớn, trẻ em rất “hóng” chuyện và rất thích nói chuyện khi đang “ăn” sữa. Khi cho trẻ ăn, mẹ nên cho bé thấy mặt bạn và thì thầm to nhỏ với trẻ. Đấy sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị của hai mẹ con.
Trong mọi trường hợp, sữa bột và sữa công thức chỉ nên đứng thứ hai sau sữa mẹ. Lợi ích khi cho con bú sữa mẹ 6 tháng đầu là không thể cân đong đo đếm được. Nếu không phải vì những lí do bất đắc dĩ, tốt hơn hết mẹ nên cho con bú cho đến khi con được 1 tuổi.